Hình ảnh của việc hiến dâng trong bữa Tiệc Ly

Bữa Tiệc Ly Ý Nghĩa và Tầm Quan Trọng Lịch Sử - Tiệc Sài Gòn

Bí tích Thánh Thể là quà tặng của Đức Giêsu Kitô tự hiến chính mình; với Bí tích này, Người mạc khải cho chúng ta tình yêu vô biên của Thiên Chúa.[1] Thật vậy, việc hiến dâng trong bữa Tiệc Ly là bảo chứng cho tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người qua Đức Giêsu Kitô, một hy tế vô giá. Đức Giêsu đã chuẩn bị cho bữa tối này trong bí mật, và trong bữa tiệc kỳ diệu ấy, Ngài đã bày tỏ một tình yêu “vĩ đại”, tình yêu thúc đẩy Ngài trao hiến chính mạng sống mình cho bạn hữu (x. Ga 15,13).

Cho nên, theo tập tục người Do Thái, Đức Giêsu cầm chén rượu thứ nhất đọc lời chúc tụng: “Chúc tụng Đức Chúa. Thiên Chúa của chúng con, Người là vua vũ trụ, là Đấng ban cho chúng con sản phẩm từ cây nho”, các môn đệ cùng thưa: “Amen”. Hơn nữa, Đức Giêsu uống và trao cho các môn đệ cùng uống: “Anh em hãy cầm lấy và chia nhau. Bởi vì Thầy bảo cho anh em biết: từ nay, Thầy không còn uống sản phẩm của cây nho này nữa, cho đến khi triều đại Thiên Chúa đến” (Lc 22,17-18). Tiếp đến, người ta ăn khai vị gồm có rau tươi nhiều loại, nhưng bắt buộc phải có rau đắng.[2]

Kế đó, khi thiết lập bí tích này, Đức Giêsu không những chỉ nói “Này là Mình Thầy”, “Này là Máu Thầy”, nhưng Người đã thêm “bị nộp vì anh em” và “đổ ra cho nhiều người” (Lc 22,19-20). Đức Giêsu không chỉ xác nhận rằng những gì Ngài ban cho họ ăn và uống là thịt và máu của Ngài, mà Ngài còn diễn tả giá trị hy tế của chúng, bằng cách hiện tại hóa hy tế của Ngài, một hy tế sẽ được hoàn tất trên thập giá chỉ vài giờ sau đó để cứu độ mọi người.[3] Hơn nữa, hy tế Thập giá và biến cố cứu chuộc ấy trở thành hiện tại và được tiếp tục qua các thời đại. Ngoài ra “Mỗi khi ta cử hành Thánh Lễ là mỗi lần ta đi vào kinh nghiệm về cái chết của Chúa Giêsu, và kinh nghiệm về ý nghĩa của cái chết ấy đối với Ngài và đối với ta.”[4]

Như vậy, Thánh Thể là một mầu nhiệm có tính nghi lễ,[5] một mầu nhiệm để cộng đoàn gặp gỡ và cử hành trong thánh lễ. Thánh lễ là dịp tưởng nhớ Đức Giêsu Kitô, Chiên Vượt Qua đích thực, Đấng đã hiến mình để cho chúng ta được sống.[6] Khi tham dự thánh lễ, chúng ta không chỉ có mặt trong bữa ăn nghi lễ ấy mà còn nhờ vào hy tế của Đức Kitô, chúng ta được giải thoát khỏi mọi tội lỗi và sự chết, và được ban tặng sự tự do vĩnh cửu trong Ngài.[7] Qua đó, hình ảnh hiến dâng của Đức Kitô trên Thập giá và biểu tượng Thánh Thể không chỉ là hành động ăn và uống, mà là hành động chia sẻ trong tình hiệp thông huynh đệ (x. LG, số 7; GS, số 32). Vì Thánh Thể cũng chính là lời chúc tụng, tạ ơn và ngợi khen dâng lên Thiên Chúa. Cho nên, nhờ thông phần Mình và Máu Đức Giêsu Kitô, loài người được nên một với nhau nữa: “Vì được thông phần cùng một bánh, tất cả chúng ta làm nên một thân thể duy nhất” (1Cr 10,16).

[1]ĐGH Bênêđictô XVI, Tông huấn Bí tích tình yêu (Sacramentum Caritatis), số 1.

[2]x. Nguyễn Văn Trinh, ibid., tr. 158.

[3]x. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Giáo hội từ Bí tích Thánh Thể (Ecclesia de Eucaristia), số 12.

[4]William J. Bauseh, Một lối nhìn mới về Bí Tích, Dịch giả: Lm. Đa minh Nguyễn Đức Thông

(Tp. HCM: Phương Đông, 2010), tr. 193.

[5]x. GLHTCG, số 1345-1355.

[6]x. Ibid., số 1356-1357.

[7]x. William J. Bauseh, ibid., tr.194.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *