So sánh khuynh hướng lý tưởng hóa của Platon và khuynh hướng tôn trọng thực tại của Aristote.  

        

Dẫn nhập          

 Khi quan sát tấm bản đồ Âu châu, ta sẽ thấy rằng đất nước Hy Lạp giống như một bàn tay chìa các ngón ra biển Địa Trung Hải. Hòn đảo Crète ở phía Nam dường như nằm gọn trong các ngón tay ấy. Cách đây hàng ngàn năm trước và cho đến ngày hôm nay, nơi đây vẫn mãi được xem là cái nôi của văn minh nhân loại. Nó không chỉ giàu có về của cải vật chất, giàu có về tài nguyên thiên nhiên mà còn giàu có cả về trí tuệ, về khả năng thông minh nhanh nhạy của con người. Nơi đây đã sản sinh ra biết bao là nhân tài, biết bao là nhà hiền triết lỗi lạc như Parménide, Héraclite, Socrate,… trong số các triết gia lỗi lạc ấy, chúng ta không thể nào không kể đến hai nhà triết gia nổi tiếng, có công lớn nhất đối với triết học thời bấy giờ là Platon và Aristote. Hai ông và trước đó là Socrate đã có công lớn trong việc biến thời kỳ này trở thành thời kỳ “hoàng kim” của triết học Hy Lạp. Mở đầu một thời kỳ suy tư ngang qua quan niệm triết học rõ ràng phân minh, và liền sau đó là một kho kiến thức được xem như là sự bao trùm gần như tất cả lịch sử triết học Tây phương với hệ thống siêu hình[1]; nó không chỉ chi phối, hướng dẫn, gây ảnh hưởng đối với nền triết học Thượng Cổ mà còn đối với toàn bộ lịch sử Triết học Tây Phương. Hai thầy trò Platon và Aristote  được xem là người đầu tiên thành công mỹ mãn trong việc xây dựng hệ thống triết học, một hệ thống siêu hình bao gồm những lãnh vực tư tưởng và thực tại. Nhưng riêng đối với Platon ông nhấn mạnh đến “khuynh hướng lý tưởng hóa” nằm ẩn sâu trong ý niệm của sự vật hiện tượng. Còn Aristote thì lại đề cao đến tính “ khuynh hướng tôn trọng thực tại” là cái ở ngay trong chính thực tại, trong chính sự vật hiện tượng đó.

Nội dung

  1. Khuynh hướng lý tưởng hóa của Platon

                 Trước tiên để hiểu “ khuynh hướng lý tưởng hóa ” là gì? Chúng ta cùng bàn sơ qua về thân thế và sự nghiệp của ông. Platon sinh vào khoảng năm 427 trong một gia đình quý phái của thành phố Athen. Ông là một con người có tư chất thông minh đặc biệt, không thỏa mãn với nền giáo dục mình được hướng dẫn. Khi được 18 tuổi, ông đã đến nghe các nhà ngụy biện diễn thuyết. Và đến năm 20 tuổi là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời ông, đây cũng chính là lúc ông tìm thấy định hướng triết lý cho cuộc đời của mình; khi ông có cơ hội gặp và trở thành môn đệ xuất sắc của Socrate. Ông nói rằng: “ Tôi cảm ơn Trời đã cho tôi là một người Hy Lạp chứ không phải dân mọi rợ, một người tự do chứ không phải một người nô lệ, một người đàn ông chứ không phải một người đàn bà và quan trọng nhất là được sinh vào thời Socrate”. Đặc biệt hơn, khi chứng kiến cái chết oan uổng của thầy mình, nó đã lại một dấu ấn sâu đậm nơi tâm hồn ông. Sau nhiều ngày tháng du hành khắp đó đây, năm 388 ông đã trở lại Athen mở trường dạy học và đã có nhiều người xin theo ông làm môn đệ, trong số những người môn đệ xuất sắc ấy, chúng ta không thể không kể đến đó là triết gia Aristote[2]. Platon đã để lại cho hậu thế rất nhiều tác phẩm, trích văn vẫn còn nổi tiếng cho đến ngày hôm nay như: “Phúng dụ cái hang”, “Nền cộng hòa”, “Meno”, “Philebus”… Toàn bộ tác phẩm triết học ấy của ông đã tạo thành một hệ thống triết học đầy đủ. Nhưng ông lại cho rằng khi xây dựng một hệ thống triết học như thế thì nó có điều gì đó giả tạo không thật với hiện thực. Ông muốn giữ cho đầu óc mình được tự do để phát biểu lại các ý niệm, khi đó ông sẽ có cơ hội để thấu hiểu và đào sâu mới mẻ về các triết lý ấy. Nền triết học của Platon đã là một hệ thống các quan điểm, tổng hợp hoàn chỉnh đầu tiên, ở đó những bộ phận cơ bản của nền triết cổ đại được xem xét thông qua lăng kính học thuyết về ý niệm[3].

Theo ông: “khuynh hướng lý tưởng hóa” chính là các hình thức hay ý niệm, những sự vật ở bên ngoài chỉ là cái hình ảnh phản chiếu, cái đích thực nó nằm ở trong đầu, trong ý niệm vĩnh cửu. Hình thức hay ý niệm ấy cũng chính là các khái niệm, tri thức được khách quan hóa. Chúng bị rút ra khỏi ý thức hòa trộn vào thế giới tư tưởng, và là bản chất hay kiểu mẫu bất di bất dịch, vĩnh cửu và phi vật chất, những sự vật mà chúng ta nhìn thấy, xem thấy chúng chỉ là những bản sao nghèo nàn, cái đích thực nó nằm trong ý niệm (eidos)[4]. Nhưng để có những hình thức ý niệm ấy, ông lại khởi đi từ việc nhận thức, từ đó mô tả trí khôn của con người đạt được tri thức như thế nào? Và ông cho thấy tri thức gồm có điều gì? Bằng việc mô tả hình ảnh phúng dụ “cái hang” mà ông nói tới: Thế giới cuả con người giống như một hang động. Trong đó một đám tù nhân bị xích xiềng, quay mặt vào tường. Họ chỉ có thể xem biết được những gì đang diễn ra trong cuộc sống hàng ngày nhờ ánh sáng chiếu qua miệng hang, và các bóng đó được in lên những vách đá. Khi ấy, họ tưởng các bóng đó là đối tượng đích thực. Nhưng nếu có một người nào thoát ra khỏi hang thì họ sẽ tận mắt thấy được nguồn ánh sáng đích thật và sự vật ở bên ngoài. Và khi chấp nhận can đảm trở lại vào “hang tối” để giúp đỡ những người anh chị em, những bạn bè thân thiết còn đang trong cảnh tăm tối của ngục tù, cũng chính là lúc con người ấy gặp phải sự chống đối, chế nhạo vì họ không tin. Đó cũng chính là thân phận con người nơi trần thế này. Ở gian trần, con người bị mờ mắt do những ảo ảnh sai lạc do tri giác và cảm giác của con người mang lại. Những tri giác ấy lại chỉ thấy được những điều không vững chắc, hay thay đổi và phù phiếm. Chỉ có các ý tưởng mới thật là thực tại trong một thế giới vĩnh cửu[5]. Qua phúng dụ “cái hang” Platon đã cho chúng ta thấy rằng có một thế giới, một thế giới mà chúng ta đang sống ở đó. Một thế giới vận động và biến đổi. Thế giới vận động được thể hiện bằng khái niệm về sự “từng có mặt”. Sự “ từng có mặt” được chúng ta hiểu thông qua cảm giác và tri giác, những quan điểm trên thực tế mà chúng ta đang nhìn thấy, xem thấy có thể đánh lừa chúng ta không đảm bảo cho chân lý. Trí tuệ dựa trên cảm tính không thể đem lại chân lý xác thực, đầy đủ. Song có một thế giới khác, thế giới của vĩnh hằng, thế giới của bản chất sự vật, thế giới ấy chính là “thế giới của những ý niệm”[6].

Con người có thể nhận thức được “thế giới ý niệm” song không phải nhờ đến cảm giác mà là chính những khái niệm ấy. Trí tuệ của con người cũng cần đến những khái niệm và những khái niệm đó phải được kiểm nghiệm bằng logic, chứ không phải bằng giác quan cảm tính. Từ một số khái niệm của logic ấy chúng ta có thể rút ra những khái niệm khác, và kết quả là chúng ta có thể đến với chân lý. Chân lý đó nằm trong thế giới ý niệm nó được “lĩnh hội bằng trí tuệ”. Thế giới ý niệm không phải là thế giới vật chất; nó tồn tại ngoài thời gian và không gian, luôn có mặt và không bao giờ thay đổi[7].

Các ý niệm là những nguyên nhân của sự vật và của thế giới nói chung, nhưng chúng lại không tồn tại và hiện hữu trong thế giới đó. Vậy thì chúng xuất hiện ở đâu? Và nguồn gốc của chúng là gì? Thưa, chúng ở ngay trong tâm hồn con người ta, và tâm hồn của con người lại là nguồn gốc khiến chúng sản sinh và phát triển. Tâm hồn của con người ẩn chứa những tri thức về các ý niệm; bởi tâm hồn trước khi nhập vào thân xác, nó đã hiện hữu trong thế giới ý niệm và được tiếp xúc với ý niệm. Có nghĩa là, những ý niệm mà chúng ta biết được không phải là qua cảm tính mà chúng ta nhận biết được thế giới sự vật, là thông qua lý tính mà chúng ta biết được về thế giới ý niệm, còn các ý niệm thì lại được chúng ta “hồi tưởng”. Tâm hồn chúng ta được “đánh thức” bởi những vấn đề đặt ra một cách đúng đắn chuẩn mực. Thế giới ý niệm của Platon được phân lớp hóa. Trước tiên là ý niệm về phúc chung; thứ đến là các ý niệm về giá trị con người (công bằng, thiện và ác); sau đó là ý niệm về các mối quan hệ ( tình yêu, quyền lực, nhà nước…); rồi kế đó là những ý niệm về sự vật, về tính chất sự vật và các sản phẩm của tự nhiên[8]. Nhưng không phải vì thế, mà chúng ta cho rằng ý niệm của Platon là trí tuệ thông minh thuần túy lý luận. Học thuyết này của ông hoàn toàn là lý luận thực tiễn, dùng luận chứng làm sáng tỏ các giá trị của thế giới, từ thế giới ở hiện tại ông hướng con người đến vơí một thế giới của tương lai, thế giới của “chân lý” và từ đó làm cơ sở để đánh giá, xét duyệt về thế giới hiện tại mà ta đang sống và tồn tại.

  1. Khuynh hướng tôn trọng thực tại của Aristote

               Aristote sinh năm 384 TCN, tại thành Stagire, một thành phố nhỏ trên bờ biển Hy Lạp. Ông sinh ra trong một gia đình cha truyền con nối làm nghề thuốc; dòng họ ông đã định hướng cho ông trong việc khảo cứu những lãnh vực thuộc khoa học thực nghiệm. Năm lên 17 tuổi, cha mẹ qua đời đã để lại cho ông một gia tài rất lớn. Ông rời quê nhà, xuống thành phố Athen, xin được thọ giáo Platon. Tại trường Académie, ông là một học trò thông minh xuất chúng nhất của Platon, và được đặt cho cái tên là “kẻ hay học” hay “trí thông minh”[9].

Mặc dù được thầy yêu mến, nhưng ông đã sớm có những quan điểm đối lập với thầy của mình, mà xoay quanh đó là học thuyết về “ý niệm”. Ông công nhận sự tồn tại của ý niệm và cho rằng chúng là nguyên nhân của sự vật. Song đồng thời ông lại cho rằng, các ý niệm cần phải được nằm trong chính sự vật, là cái ở bên ngoài, ở nơi thực tại, chứ không phải là cái ở trong “thế giới thứ hai”, thế giới của những ý niệm. Và đây cũng chính là “khuynh hướng tôn trọng thực tại” mà ông muốn đề cập đến. Ông cho rằng: “Nếu ý niệm nằm ngoài thế giới sự vật, thì bằng cách nào chúng quy định được thế giới?”. Nếu ý niệm tồn tại và đến từ thế giới bên ngoài, thì sẽ không giải thích được chúng ở nơi thế giới. Các ý niệm là cái được phổ biến trong sự vật, song cái phổ biến lại được thể hiện nơi cái đơn nhất. Từ đó rút ra kết luận, “cái phổ biến trong sự vật, như là các hình thức thuần túy của sự vật”; nó nằm trong chính sự vật,  chứ không phải ở bên ngoài sự vật[10].

Trong các tác phẩm của mình, đặc biệt là ở triết học siêu hình, ông đã đưa ra các luận cứ chống lại nhận thức của Platon về ý niệm. Và luận cứ được xem là lớn nhất, khi chúng ta nhân bản chất của sự vật lên. Giả dụ, có một người đang sống là một nhà triết gia Hy Lạp cổ đại. Trong số các ý niệm, có một ý niệm tương ứng đối với nhà triết gia Hy Lạp cổ đại, nhưng bên cạnh đó chúng ta còn có ý niệm về con người và cả ý niệm về người Hy Lạp. Không chỉ có thế, đối với một nhà triết gia  hiện thực còn có một số ý niệm và bản chất. Điều đó không thể chứng thực được, bởi xét về mặt logic thì lại bị mâu thuẫn. Aristote cho rằng, phía trên của thế giới sự vật không chỉ có “thế giới ý niệm” hiện hữu mà là hai thế giới. Ông đã đưa ra nhiều dẫn chứng chứng minh một cách sắc bén rằng, các ý niệm cần phải hiện hữu ở trong chính sự vật, chứ không phải bên ngoài chúng.

Mỗi sự vật đều hàm chứa ý niệm đó là “ thực thể” và “thể nền”. Bên cạnh đó, mỗi sự vật đều có những “hình thức” và “nội dung”, hình thức của sự vật được xem là chính bản chất của sự vật. Ví dụ: cái bàn gỗ ; thì “hình thức” của cái bàn là cái căn bản, cái chính yếu làm cho cái bàn được là chính nó, và vật chất để tạo nên cái bàn là gỗ. Qua đó, Aristote đã đưa ra những kết luận rằng: “Một là, thế giới chỉ có một. Đó là vật chất và tinh thần, tồn tại và hiện thực. Hai là, các sự vật và quá trình của thế giới hiện thực có thể nhận biết từ chính bản thân nó, nghĩa là nghiên cứu chính ở nơi thực tại, ở tại nơi sự vật chứ không phải là thế giới ý niệm. Ba là, trọng tâm của nhận thức phải ở chính nơi các sự vật và các quá trình, chứ không phải ở nơi lược đồ và tư biện[11].

  1. Nhận định của bản thân về khuynh hướng của hai tác giả

             Hai khuynh hướng trên đã cho ta thấy sự khác biệt rất lớn trong suy nghĩ của Platon và môn đệ Aristote, chúng đã trở nên sâu sắc và rất phù hợp. Mặc dù, Aristote đã chịu ảnh hưởng rất lớn về người thầy của mình. Đối với Platon như đã trình bày cái ở bên ngoài chỉ là những hình bóng, cái thật sự, cái đích thực nó nằm ở  trong đầu, trong ý niệm. Ta có thể xem học thuyết này của Platon là cái “đi từ trên xuống”. Chính học thuyết này đã có ảnh hưởng rất lớn đến học thuyết của Thánh Augustine và đặc biệt là Tôn giáo của chúng ta hàng ngàn năm, và cho đến tận ngày hôm nay. Sự phát triển mà nó đem lại thì cũng có đó, song những khiếm khuyết mà nó để lại thì cũng không hề ít. Khi Platon cho rằng, thân xác và linh hồn của con người là hai thực thể khác biệt nhau tách rời nhau; vì một lý do nào đó mà linh hồn bị đày ải trong “nấm mồ” là thân xác. Linh hồn của con người được xem là nguyên lý của mọi hành động và sinh hoạt của thân xác[12]. Nếu linh hồn là phần quan trọng của một hữu thể, vậy khi nó phải chịu cảnh đi vào một “nấm mồ” thì nó sẽ ra sao? Và nó sẽ sống như thế nào? Câu hỏi này, làm cho tôi liên tưởng đến tác phẩm “ Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt” của nhà văn Lưu Quang Vũ, khi đó nhân vật Trương Ba là một con người thanh cao, là cao thủ cờ rất giỏi khiến cho thần tiên Đế Thích ở trên trời cũng phải nể phục về tài nghệ đánh cờ của ông, hàng ngày xuống chơi cờ cùng ông, lâu ngày hai người đã trở nên thân quen. Lần nào xuống chơi vị thần tiên này cũng được tiếp đón trọng hậu, khiến cho thần tiên rất cảm mến Trương Ba và tặng cho “ba rẻ nhang thần” khi nào chết thì gọi tên vị thần tiên, thì ông sẽ xuống và cho hồn được trở lại nhập vào thân xác. Nhưng thời gian sau, Trương Ba lâm bệnh và qua đời, thân quyến không ai nhớ tới “món quà” quý giá của vị thần tiên; cho đến tận ba tháng sau đó, người vợ trong lúc quá thương nhớ chồng mới chợt nhớ ra món quà ấy liền thắp ba nén nhang thần và mời thần tiên Đế Thích xuống, nhưng lúc này đã muộn vì thân xác của Trương Ba đã hư hoại không còn nguyên vẹn, lên liền cho hồn Trương Ba nhập vào thân xác của một đứa bé hai tuổi mới chết gần đó. Nhưng chúng ta thử nghĩ xem linh hồn một người đã khôn lớn, có tuổi mà đi nhập và thân xác một đứa trẻ mới tập đi, chưa biết nói thì sẽ như thế nào?… Sau đó, vị thần tiên lại cho hồn của Trương Ba nhập vào một anh hàng thịt cũng mới chết, gần nhà. Nhưng chúng ta thử nghĩ xem, một linh hồn thanh cao của một con người suốt ngày chỉ có chơi cờ, làm vườn trồng cây, nuôi gà, nuôi vịt… rồi còn thân quyến, vợ con của họ sẽ phải ứng sử như thế nào? Khi mà người chồng, người bố, người ông của mình lại mặc lấy thân xác của một kẻ đồ tể suốt ngày chỉ biết cầm giao mổ lợn; rồi phía gia đình kia họ sẽ như thế nào? Họ cũng đâu dễ dàng để cho người ta cướp đi thân xác của chồng mình, dẫu rằng linh hồn ấy không phải là của chồng mình. Đặc biệt hơn là chính nhân vật, ông không thể nào sống trong một con người bên trong một đàng mà bên ngoài lại một nẻo. Qua câu chuyện trên cho ta thấy, một hình tượng nghệ thuật phản ánh hiện thực đến đời sống của con người, khi con người bị rơi vào nghịch cảnh, khi phải sống bên trong một đàng bên ngoài một nẻo, không được sống là chính mình, không được sống như ý mình muốn, và đặc biệt là không được sống với cái thể xác và linh hồn là một[13]. Qủa thật, chính trong Giáo Hội đã có một thời gian dài, con người  không tôn trọng thân xác của mình cho đúng đắn, chuẩn mực; con người đã không đề cao thân xác như nó được là chính nó được là nó vậy; hơn thế nữa có người coi thân xác là cái gì đó “dơ bẩn” để rồi xem thường, khinh bỉ nó. Suốt bao thế kỉ, thân xác của con người đã chịu cảnh coi thường, rẻ rúm, không được tôn trọng như nó đáng được là. Và cho tới ngày hôm nay, trong xã hội ta vẫn thấy đâu đó có một số người vẫn đã và đang coi thường thân xác của mình, khi họ tự do thỏa mái để mặc thân xác “thích ăn gì thì ăn”, “thích uống gì thì uống”, “thích mặc gì thì mặc”, “ thích nói gì thì nói, thích làm gì thì làm” mà không để ý, để tứ gì trước là đến lợi ích cuả bản thân mình, và sau đó là lợi ích của những người xung quanh. Và hậu quả thì như chúng ta đã biết là hàng ngày, hàng giờ trong các quán sá có biết trẻ em đã và đang dính vào con đường nghiện game; giới trẻ thì lao mình vào con đường ma túy, hút chích, ăn chơi đua đòi thỏa sức; giới có tuổi thì lao mình vào con đường nghiện cờ bạc, nghiện rượu. Chính vì vậy, chúng ta là những môn đệ đã và đang bước theo Đức Ki tô, chúng ta trước tiên cần đánh thức lương tâm ngủ mê của chính mình, sau đó là của thế giới. Bởi hàng ngày, hàng giờ có biết gia đình, họ phải sống ra sao? Sống như thế nào? Chắc chắn họ cũng đang phải khốn khổ, long đong vất vả, sống mà cũng không bằng chết vì trong gia đình của mình có những con người khiếm khuyết như thế! Và xã hội này sẽ đi đến đâu? Khi có những công dân suốt ngày chỉ biết ăn chơi chụy lạc không những, không biết đến lợi ích của người khác, mà còn sẵn sàng ra tay sát hại người thân nghĩa. Và thế giới này sẽ ra sao? Khi trong cuộc đời có những người vẫn đã và đang dửng dưng vô cảm để mặc cho sự dữ hoành hành. Như trường hợp mới đây ở tại Hà Nội người em trong lúc say sỉn đã đâm chết người anh vì một chút đất cát. Hay như trường hợp hai, ba người con gái cách đây mấy tháng đã mang săng đến để đốt nhà bố mẹ đẻ của mình và cuối cùng là họ cũng chết trong cái đám cháy ấy. Rồi mới đây nhất là vụ án người cha đã dửng dưng để mặc cho vợ là mẹ kế đã nhẫn tâm hành hạ một cháu bé cho đến chết mà không can ngăn, còn ra tay đồng lõa làm hại cháu bé. Khi nêu nên một số “vấn nạn nhỏ bé” trong hàng ngàn vấn nạn mà nhân loại đang phải gồng gánh trên đôi vai của mình hàng ngày hàng giờ, khiến cho tôi phải bận tâm hơn, đau đáu nhiều hơn, suy nghĩ nhiều hơn!… Khi thân xác của một con người, của chính mình lại không được quan tâm cho đúng. Bởi nếu mình không tôn trọng những gì là của mình thì làm sao mình có thể tôn trọng những gì là của người khác được. Bởi, nếu mình không tôn trọng thân xác của mình thì làm sao mình có thể tôn trọng thân xác của người bên cạnh được. Như trong Kinh Thánh Chúa Giê su đã chẳng dạy rằng: “Anh em hãy yêu thương người thân cận như chính mình” đó sao? Từ “như” ở đây là một so sánh, mà so sánh là so sánh ngang bằng không hơn không kém; bởi tôi làm sao tôi có thể nói thương yêu người khác, mà trong khi đó tôi lại ghét bỏ coi thường bản thân mình; làm sao tôi có thể cho người khác cái mà tôi không có?

Tiếp đó là khuynh hướng của Aristote, khi ông cho rằng, mọi sự vật đều xuất hiện ở nơi thực tại, ở nơi chính sự vật hiện tượng đó, trái ngược với Platon là nằm trong ý niệm. Ta có thể xem quan điểm này của ông là cái “đi từ dưới lên”, và học thuyết này của ông đã có ảnh hưởng rất lớn đối với nhiều triết gia đặc biệt là Thánh Toma Aquino. Nhưng xem ra học thuyết này vẫn còn “quá cao siêu” chưa được “trọn vẹn”, đầy đủ. Nó vẫn còn những “lỗ hổng” và “chỗ trống” chưa thể nấp đầy. Dường như học thuyết này của ông chỉ dành cho một số người, một số người có tri thức, và chỉ khi có tri thức thì họ mới có thể nhận thức được học thuyết này của ông. Vậy những người không có học thức, không có tri thức thì họ sẽ phải sống ra sao? Và họ phải sống như thế nào? Bên cạnh đó, khi dùng học thuyết trên để đề cập đến vấn đề con người và Thượng đế Aristote vẫn chưa thoát ra khỏi cái thực tại để vươn lên cái cao siêu, cái siêu hình hơn. Khi ông cho rằng: “Con người là một bản thể duy nhất bởi linh hồn và thể xác. Nó không thể tách rời nhau, nhưng khi thân xác chết đi thì linh hồn cũng biến mất”[14]. Phải chăng quan điểm này của ông còn thiếu tính siêu việt. Nếu như cái chết của con người đến mà không còn gì thì nó cũng giống như bao sinh vật khác. Nếu như con người sinh ra, lớn lên rồi chết đi, thì nó cũng giống như bao cỏ cây, hoa lá khác mà thôi! Nếu như cái chết của con người là hết, thì bao nhiêu cố gắng, hy sinh,vất vả phấn đấu của con người còn có giá trị gì chứ! Quả thực, theo tôi con người dầu là bụi đất nhưng nó còn có một điều gì đó cao siêu hơn mà ta chưa khám phá ra được, chỉ khi nào không còn hiện hữu trên trần gian này ta mới có thể biết được điều “bí ẩn”, “huyền nhiệm” của con người ấy là gì?  Tiếp đó là vấn đề về Thượng đế, khi ông cho rằng: thượng đế không biết gì đến thế giới và những sự vật trong thế giới; thượng đế chỉ biết chính mình[15]. Quan điểm này, rất nhiều vị học giả đã cho nó là quá duy lý. Bởi vì, một vị Thượng đế như thế không phải là một ngôi vị sống động. Vị Thượng đế đích thực là vị Thượng đế có mối liên hệ sống động với con người. Vị Thượng đế đích thực phải là vị Thượng đế biết vui với niềm vui của con người.Vị Thượng đế đích thực phải là vị Thượng đế biết đau với nỗi đau của con người. Vị Thượng đế đích thực phải là vị Thượng đế dám ở cùng, dám ở với con người. Vị Thượng đế đích thực phải là vị Thượng đế dám hiến mạng sống vì con người. Vị Thượng đế đích thực phải là vị Thượng đế dám hiệp hành-dám tham gia-dám sứ vụ cùng với con người.

Đây mới thực sự là vị Thượng đế đích thực, vị Thượng đế của người Công giáo. Như trong thư Thánh Phao lô đã nói: “ Đức Giê su Ki tô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn chút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Phil 2,6-8). 

Tạm kết

          Tóm lại, hai khuynh hướng trên có một giá trị rất to lớn đối với người Hy Lạp xưa, cũng như đối với con người ngày hôm nay. Nhưng, như đã trình bày hai khuynh hướng này còn nhiều “chỗ khuyết” cần được lấp đầy. Nhưng lấp đầy chúng bằng cách nào và như thế nào? Theo tôi, không gì khác hơn đó là kết hợp hai học thuyết này vào làm một. Bởi vì, chúng không thể hiện hữu có cái này mà phủ nhận sự hiện hữu của cái kia. Bởi vì, chúng ta không chỉ có biết đón nhận “cái ở trên đi xuống”, nhưng còn cần sự cộng tác là “cái ở dưới đi lên”. Cũng giống như thực thể linh hồn và thân xác như đã trình bày, chúng không thể tách rời nhau; chúng không thể bên trong một đàng mà bên ngoài lại một nẻo được. Và cũng giống như quan điểm về “con người” và “Thiên Chúa” trong niềm tin Công giáo vậy. Khi Thiên Chúa quyền năng, là Đấng sáng tạo nên con người, luôn yêu thương con người, luôn đổ tràn ân sủng xuống trên con người; nhưng Vị Thiên Chúa ấy lại luôn mong muốn con người “yếu mến Ngài trên hết mọi sự”, luôn muốn con người tham gia cộng tác vào công trình của Thiên Chúa. Đó là quan điểm hai chiều tích cực của người Công giáo. Nó giúp cho con người trưởng thành hơn, được lớn lên mỗi ngày hơn, và đặc biệt là nó không còn ỷ lại vào Thiên Chúa. Chính vì vậy, khuynh hướng lý tưởng hóa của Platon và khuynh hướng tôn trọng thực tại của Aristote cần phải được dung hòa làm một. Thì nó sẽ đem lại rất nhiều giá trị tốt đẹp và lợi ích cho con người.      

Tác giả: Hạt Muối Nhỏ

[1] x. Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn, Lịch Sử Triết Học Tây Phương, Tập 1 Thời Thượng Cổ, tr. 17

[2] x. Lịch Sử Triết Học Tây Phương. Ibid. Tr. 146-147

[3] Khoa Triết Học. Giáo sư E.E Nexmeyanov. Triết Học Hỏi Và Đáp (Nxb: Đà Nẵng, 2004). tr. 30

[4] Samuel Enoch Stumpf,chuyển dịch: Đỗ Văn Thuấn & Lưu Văn Hy,  Lịch sử Triết học và các Luận đề (Hà Nội: Lao động, 2004) tr. 53

[5] x. Lịch Sử Triết Học Tây Phương. Ibid. Tr. 151

[6] x. Triết Học Hỏi Và Đáp. Ibid. tr. 31

[7] x. Triết Học Hỏi Và Đáp. Ibid. tr. 31

[8] x. Triết Học Hỏi Và Đáp. Ibid. tr. 32

[9] x. Lịch Sử Triết Học Tây Phương. Ibid. Tr. 171

[10] x. Triết Học Hỏi Và Đáp. Ibid. tr. 33

[11] x. Triết Học Hỏi Và Đáp. Ibid. tr. 34

[12] x. Lịch Sử Triết Học Tây Phương. Ibid. Tr. 157

[13] https://hocvanchihien.com

[14] Piô Phan Văn Tình. Triết Học Tây Phương Thượng Cổ Ảnh Hưởng Trên Kitô Giáo. (Nxb: Phương Đông). tr. 28

[15] x. Lịch Sử Triết Học Tây Phương. Ibid. tr. 182

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *