Suy niệm Chúa Nhật IV Mùa Phục Sinh Năm C

Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật IV Phục sinh năm C (Cv 13,14.43-52; Kh 7,9.14b-17; Ga 10,27-30) | Giáo phận Hưng Hóa

Khi nhắc đến chiên, hẳn ai trong chúng ta cũng nghĩ ngay đến một loài vật hiền lành, dễ thương và luôn vâng lời chủ. Đúng vậy, chiên là loài động vật dễ gần, tuy không phổ biến ở Việt Nam như ở đất nước Do Thái. Tuy nhiên, hình ảnh “con chiên” lại không xa lạ với người Kitô hữu chúng ta, bởi lẽ Lời Chúa thường xuyên nhắc đến con chiên. Là loài ăn cỏ, chiên được xem là dễ chăm sóc và gần gũi. Thánh Gioan trong Tin Mừng đã miêu tả con chiên biết “nghe” và “theo” tiếng chủ. Cuộc đời của người chủ chiên và chiên thường gắn liền với nhau, vì chiên biết lắng nghe tiếng chủ, còn chủ hiểu chiên. Chính sự thấu hiểu này giúp người chủ biết chiên cần gì, khi nào chiên bệnh hay đói.

Đức Giêsu đã đồng hóa mình là “Vị mục tử nhân lành”, nhân lành đến nỗi đã hiến dâng mạng sống để bảo vệ chiên khi sói dữ tấn công. Ngài không muốn con nào phải biến mất khỏi ràn, mà luôn chăm sóc, chữa trị và tìm về cho được. Hình ảnh này trong đoạn Tin Mừng Ga 10,27-30 thể hiện tình yêu và lòng thương xót vô bờ của Đức Giêsu.

Tuy nhiên, không phải chiên nào cũng dễ nghe lời. Đức Giêsu đã nói: “Không phải các con đều sạch cả đâu” (Ga 13,11). Đôi khi, chiên không nghe tiếng chủ, bị bệnh, đi lạc hay ương bướng. Có những con chỉ muốn làm theo ý riêng, khiến chủ phải đau đầu, chờ đợi và hy vọng chúng sửa đổi. Đôi khi, chiên còn giả điếc, thờ ơ trước tiếng gọi của chủ, khiến chủ mất ăn mất ngủ. Dù vậy, chủ vẫn yêu thương và chờ đợi chiên quay về.

Trong thời đại hôm nay, mối quan hệ giữa chủ chiên và chiên đôi khi không còn hiểu nhau. Có khi chủ chiên giết chiên ăn thịt, còn chiên tìm cách phá đàn để sống tự do. Người Kitô hữu chúng ta cũng đối mặt với nhiều thách thức, có khi không lắng nghe tiếng của người cha hiền trong xứ, trong gia đình, dẫn đến chia rẽ và mất đoàn kết. Thậm chí, có những người không biết ai là chủ chiên, như bố không biết con, mẹ chồng không biết nàng dâu, anh chị em không biết cha mẹ, dẫn đến sự cô đơn và cô độc.

Trong ngày lễ Chúa Chiên Lành, để có những người trẻ dấn thân cho Thiên Chúa, cần sự hy sinh và động viên từ cha mẹ, gia đình và giáo xứ. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong sứ điệp cầu nguyện cho ơn thiên triệu đã viết: “Tôi nói với bậc cha mẹ, dựa vào lòng tin rằng họ có thể nếm hưởng niềm vui của ân sủng sẽ vào nhà họ, khi một con trai hay con gái của họ được Chúa gọi để phục vụ Ngài… Đặc biệt, tôi hướng về giới trẻ của thời nay và tôi nói với họ: Hãy để cho Đấng Vĩnh Cửu quyến rũ các bạn, và tôi lập lại lời Ngôn sứ Giêrêmia (20,7): ‘Ngài đã làm cho tôi say mê, lạy Chúa… Ngài đã chinh phục tôi và Ngài đã mạnh hơn tôi’”.

Ngày ơn gọi năm nào cũng có, nhưng có chăng chỉ là những cuộc hội ngộ vui chơi giải trí nhất thời. Ơn gọi ngày càng ít đi vì những thú vui đời quyến rũ người trẻ, khiến họ không còn biết lắng nghe hay mở lòng cho Chúa. Vì thế, việc cầu nguyện và động viên từ gia đình, giáo xứ là điều cần thiết, để có những mục tử tốt lành phục vụ Thiên Chúa qua đời sống thánh hiến.

Lạy Chúa, lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít, xin Chúa ban ơn cho những người trẻ, để họ biết mở lòng ra mà quảng đại hơn trong việc dấn thân phục vụ Chúa. Amen.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *