Bài Ðọc I: Cv 10, 34a. 37-43
“Chúng tôi đã ăn uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Phêrô lên tiếng nói rằng: “Như anh em biết điều đã xảy ra trong toàn cõi Giuđêa, khởi đầu từ Galilêa, sau khi Gioan rao giảng phép rửa: ấy là Chúa Giêsu thành Nadarét. Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu cho Người. Người đi khắp nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở cùng Người. Và chúng tôi, chúng tôi là chứng nhân tất cả những gì Người đã làm trong nước Do-thái, và tại Giêrusalem, Người là Ðấng người ta đã giết treo Người trên thập giá. Nhưng ngày thứ ba, Thiên Chúa đã cho Người sống lại và hiện ra không phải với toàn dân, mà là với chúng tôi là nhân chứng Thiên Chúa đã tuyển chọn trước, chính chúng tôi đã ăn uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại. Và Người đã truyền cho chúng tôi rao giảng cho toàn dân và làm chứng rằng chính Người đã được Thiên Chúa tôn làm quan án xét xử kẻ sống và kẻ chết. Mọi tiên tri đều làm chứng về Người rằng: Tất cả những ai tin vào Người, thì nhờ danh Người mà được tha tội”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 117, 1-2. 16ab-17. 22-23
Ðáp: Ðây là ngày Chúa đã lập ra, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: “Ðức từ bi của Người muôn thuở”.
Xướng: Tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt, tay hữu Chúa đã cất nhắc tôi lên. Tôi không chết, nhưng tôi sẽ sống, và tôi sẽ loan truyền công cuộc của Chúa.
Xướng: Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta.
Bài Ðọc II: Cl 3, 1-4
“Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.
Anh em thân mến, nếu anh em đã sống lại với Ðức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất. Vì anh em đã chết, và sự sống anh em được ẩn giấu với Ðức Kitô trong Thiên Chúa. Khi Ðức Kitô là sự sống anh em xuất hiện, bấy giờ anh em sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang.
Ðó là lời Chúa.
Hoặc đọc: 1 Cr 5, 6b-8
“Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.
Anh em thân mến, anh em không biết sao?: chỉ một tí men là đã đủ làm dậy men cả khối bột! Anh em hãy tẩy trừ men cũ để nên bột mới anh em là bánh không men. Vì Chiên Vượt Qua của ta, là Ðức Kitô, đã chịu sát tế. Cho nên ta hãy mừng lễ, đừng với men cũ, và men gian tà, ác độc, nhưng là với Bánh không men của lòng tinh tuyền và chân thật.
Ðó là lời Chúa.
Ca Tiếp Liên
(Ðọc trong Chúa Nhật Phục Sinh, còn các ngày khác trong tuần Bát nhật thì không buộc đọc)
Các Kitô hữu hãy tiến dâng
lời khen ngợi hy lễ Vượt Qua.
Chiên con đã cứu chuộc đoàn chiên mẹ:
Ðức Kitô vô tội đã hoà giải tội nhân với Chúa Cha.
Sống và chết hai bên song đấu cách diệu kỳ,
tướng lãnh sự sống đã chết đi, nhưng vẫn sống mà cai trị.
Hỡi Maria, hãy nói cho chúng tôi nghe
bà đã thấy gì trên quãng đường đi?
Tôi đã thấy mồ Ðức Kitô đang sống
và vinh quang của Ðấng Phục Sinh,
thấy các thiên thần làm chứng,
thấy khăn liệm và y phục.
Ðức Kitô là hy vọng của tôi đã phục sinh,
Người đi trước chư vị tới xứ Galilêa.
Chúng tôi biết Ðức Kitô đã sống lại thật từ cõi chết!
Lạy Chúa, Vua chiến thắng, xin thương xót chúng con.
Alleluia
Alleluia, alleluia! – Lễ Vượt Qua của chúng ta là Ðức Kitô đã hiến tế vậy chúng ta hãy mừng lễ trong Chúa. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Ga 20, 1-9
“Người phải sống lại từ cõi chết”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu”. Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm
William James, nhà tâm lý học lừng danh thế giới, kể lại câu chyện có thực sau đây trong tác phẩm có nhan đề “Những cảm nghiệm tôn giáo của ông”. “Một đêm nọ có một người đàn ông đứng một mình trên đỉnh đồi heo hút. Đó là một đêm tuyệt đẹp, bầu trời đầy sao, tình yêu chan hòa muôn trái tim và bình an phủ xuống mọi tâm hồn. Đang khi đứng đó, bỗng ông thấy lòng tràn ngập niềm vui giống như ông đang lắng nghe bản hòa tấu tuyệt vời trong đó mọi nốt nhạc đan quyện vào nhau khiến tâm hồn ông đột nhiên bị xúc động. Thế rồi ông có cảm giác một người nào đó đang cùng hiện diện trên đỉnh đồi với ông. Sự hiện diện của vị này càng lúc càng mãnh liệt đến nỗi ông cảm thấy sự hiện diện ấy còn rõ rệt hơn chính sự hiện diện của ông nữa. Về sau ông thổ lộ: ‘Chính trên đỉnh đồi vào đêm hôm ấy, tôi bắt đầu tin Chúa’.”
Câu chuyện của nhà tâm lý học lừng danh thế giới phần nào làm sáng tỏ lên mầu nhiệm Đức Ki-tô Phục Sinh. Vì trong hoàn cảnh tắt ngúm mọi sự từ các môn đệ cho đến những người phụ nữ theo Đức Ki-tô, họ chẳng còn hy vọng nào vào Ngài nữa, niềm tin của họ dường như chấm dứt khi Đức Ki-tô bị đóng đinh trên thập giá. Không những vậy, tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần bà Maria Ma-đa-lê-na rảnh rỗi đi ra thăm mồ Chúa cũng chẳng thấy xác Người đâu. Mọi thứ đều rơi vào tuyệt vọng, chẳng còn hy vọng nào dù là mong manh. Đang trong lúc bối rối và hoảng sợ, bà Maria còn báo tin cho các môn đệ thêm lo vì không biết xác Thầy mình ai đã lấy đi mất. Nhưng khi các ông đến ngôi mộ trống, tuy các ông không gặp Đức Ki-tô, các ông tin Ngài đã sống lại, bởi lẽ cả Gioan và Phêrô, dù chạy chậm đến sau nhưng lại vào trong ngôi mộ trước và đã “thấy những băng vải để ở đó và khăn che đầu Đức Ki-tô. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuộn lại, xếp riêng ra một nơi” (Ga 20,7). “Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20,8).
Đó là một đêm tuyệt đẹp, bầu trời đầy sao, tình yêu chan hòa muôn trái tim và bình an phủ xuống mọi tâm hồn. Đang khi tuyệt vọng thật sự, bỗng các Tông đồ và những người phụ nữ theo Chúa thấy lòng tràn ngập niềm vui, giống như nhà tâm lý học đang lắng nghe bản hòa tấu tuyệt vời trong đó mọi nốt nhạc đan quyện vào nhau khiến tâm hồn các ông không còn sợ hãi.
Mặt khác, khi tảng đá lấp cửa mồ được mở ra, chính là lúc tâm hồn các ông bừng lên một ánh sáng rực rỡ, không còn vây phủ bởi màn đêm tăm tối. Các ông không còn sợ hãi, nhưng vui mừng loan tin cho toàn dân biết Đức Ki-tô đã phục sinh. Sở dĩ các Tông đồ loan tin này, chính là các ông đã tin vào lời Kinh thánh mà chính Đức Ki-tô đã nói cho các ông “Sau ba ngày Người phải chỗi dậy”. Và dưới ánh sáng của biến cố Phục Sinh, các ông loan báo rằng: “Đứ Ki-tô Phục Sinh từ nay là trung tâm điểm trong cuộc sống con người và cuộc sống của thế giới.”
Thật vậy, qua lời rao giảng của các Tông đồ và những người kế vị các ngài, con người thuộc mọi thời đại có thể sống và cảm nghiệm được hành động cứu độ ấy của Đức Giê-su. Bởi vì lòng tin vào Đức Ki-tô Phục Sinh giải phóng chúng ta khỏi sự dữ, khỏi tội lỗi và cái chết. Và như lời bài hát “Chúa cấm con thất vọng” của linh mục “Mi Trầm” cho chúng ta thấy: Đức Ki-tô luôn là niềm hy vọng cho những ai thất vọng, Ngài không muốn chúng ta phải thất vọng. Còn chúng ta thì sao?
Có lẽ con người yếu hèn của chúng ta đôi khi cũng thất vọng đủ điều, có những lúc chúng ta chẳng còn niềm tin vào Chúa nữa, khi chúng ta xin Người, mà Người cứ lặng thinh. Thậm chí chúng ta đi tìm cho mình những thần khác để cầu cứu, nhưng mọi thứ đều là thất vọng và trở nên hư vô trống rỗng. Chính vì thế, niềm tin vào Đức Ki-tô Phục Sinh không phải một sớm một chiều, nhưng nó đòi buộc chúng ta phải gắn bó cả cuộc đời mình với Đấng mà mình đã tin. Hơn thế, như hai môn đệ trên đường đi Emmau, để nhận ra được Đức Ki-tô Phục Sinh các ông ròng rã sải bước trên mười cây số mà vẫn không nhận ra ai là người đồng hành với mình, nhưng sau khi người bẻ bánh và trao cho các ông, các ông mới nhận ra Người.
Phần chúng ta, cuộc sống luôn là chuỗi những ngày dài thử thách và gian khổ, vì thế, chúng ta cần có niềm tin vững mạnh và bám chặt vào Chúa, ngõ hầu chúng ta cảm nghiệm được thế nào là thập giá, để rồi chúng ta mới bước vào vinh quang hưởng phúc Thiên Đàng như các môn đệ của Chúa.
Lạy Chúa, xin cho con tín thác vào Chúa, xin cho con không được thất vọng cho dù con gặp nhiều khó khăn, nhưng con tin có Chúa bên con. Amen.