Suy Niệm Lễ Thánh Phêrô và Phaolô

Suy Niệm Lời Chúa Lễ Thánh Phêrô Và Thánh Phaolô - Tông Đồ

Hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô: Hai trụ cột đức tin – Một truyền thống sống động

Các bài đọc trong ngày lễ kính hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô mà cộng đoàn Phụng vụ được lắng nghe hôm nay, đưa chúng ta trở về với truyền thống Tông đồ – một truyền thống không chỉ đơn thuần là việc lưu truyền lại những sự kiện hay lời nói trong quá khứ. Truyền thống, như lời Đức Bênêđictô XVI đã nói: “dòng sông sống động nối liền chúng ta với nguồn cội, là dòng sông mà trong đó nguồn gốc luôn hiện hữu” (Huấn giáo 26.4.2006). Trong dòng chảy ấy, Hội thánh lãnh nhận kho tàng đức tin và cả chìa khóa Nước Trời (x. Mt 16,19).

Chính vì thế, khi nói đến truyền thống của Hội thánh, không thể không nhắc tới hai con người vĩ đại: thánh Phêrô và thánh Phaolô. Dù xuất thân, tính cách và sứ mạng của hai vị hoàn toàn khác biệt, nhưng chính những khác biệt ấy lại bổ túc cho nhau, khiến các ngài trở thành hai trụ cột vững chắc nâng đỡ đức tin Kitô giáo.

Trước tiên, hai vị thánh này khác nhau cả về danh tính và ý nghĩa tên gọi. “Phêrô” – từ gốc Hy Lạp là “Πέτρος” (Petros), nghĩa là “tảng đá” – là tên mà chính Đức Giêsu đã ban cho ông Simon: “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy…” (Mt 16,18). Việc đổi tên từ “Simon” – vốn mang nghĩa “Thiên Chúa đã nghe” trong tiếng Híp-ri – sang “Phêrô” đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời ông: từ một người được Thiên Chúa lắng nghe, ông trở thành nền tảng vững chắc cho Hội thánh. Theo biểu tượng phương Đông, “đá” còn là hình ảnh của sự bền vững và sức mạnh nội tâm – như nhân vật Sơn Tinh trong kho tàng cổ tích Việt Nam.

Trái lại, tên “Phaolô” – gốc Hy Lạp là “Παῦλος” (Paulos), có nghĩa là “nhỏ bé” hay “khiêm nhường”. Trước khi gặp Đức Kitô phục sinh trên đường Đa-mát, ông mang tên “Saul” (Σαῦλος, gốc Híp-ri: Saun), nghĩa là “được cầu xin”, trùng tên với vị vua đầu tiên của Israel – người được tuyển chọn vì tầm vóc cao lớn và sự mong mỏi của dân. Tên “Saul” phản ánh niềm kiêu hãnh Do Thái giáo và lý lịch Pharisêu nhiệt thành. Tuy nhiên, sau cuộc gặp gỡ định mệnh với Đức Giêsu, ông đã từ bỏ tên gọi cũ và chọn tên “Phaolô” như một dấu chỉ của sự khiêm nhường và sứ vụ mới – sứ vụ loan báo Tin Mừng cho dân ngoại. Danh xưng “Phaolô” phản ánh một cuộc hoán cải sâu xa, từ một người bắt bớ Kitô hữu trở thành “tông đồ dân ngoại”, từ niềm tự hào dòng tộc trở nên “bé nhỏ” trong Đức Kitô.

Cả hai vị thánh – Phêrô và Phaolô – tuy mang hai con đường khác nhau, nhưng cùng chung một đích đến: hiến trọn đời mình cho việc xây dựng Hội thánh. Chính sự khác biệt trong căn tính đã làm nên sự bổ túc tuyệt vời trong sứ mạng: một người là nền đá Hội thánh, người kia là nhà truyền giáo vĩ đại. Họ không chỉ vĩ đại vì những công trình để lại, mà còn vì sự khiêm tốn và lòng trung thành trong từng bước chân phục vụ Chúa. Không những thế danh xưng của các ngài dù có sự khác biệt, nhưng các ngài vẫn hiệp nhất để đưa Giáo hội tiến lên mỗi ngày.

Do đó, lễ kính hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô vào ngày 29/6 hằng năm không chỉ là dịp để Hội thánh tôn vinh những đóng góp cá nhân của hai vị thánh, mà còn là thời khắc để mỗi Kitô hữu nhìn lại căn tính và sứ vụ của chính mình trong Hội thánh. Qua đời sống và chứng tá của hai vị, chúng ta được mời gọi sống hiệp nhất trong đa dạng, để cùng nhau loan báo tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa cho thế giới hôm nay.