Suy tư Chúa Nhật V Phục Sinh Năm C
Chú giải:
Nếu như điều răn yêu thương trong Cựu Ước được Chúa ban qua ông Môsê, thì điều răn mới được Đức Giêsu trực tiếp trao ban. Động từ được Đức Giêsu dùng là động từ “δίδωμι= điđômi”, có nghĩa là ban tặng, ban cho, chứ không phải là ban hành. Đây là món quà Đức Giêsu trao tặng các môn đệ chứ không phải là ban hành Lề Luật. Cũng nên nhớ rằng, điều răn yêu thương được Đức Giêsu ban sau khi Người lập Giao Ước mới và vĩnh cửu bằng máu của Người.
Thứ đến, ngữ động từ “yêu thương nhau” (ἀγαπᾶτε ἀλλήλους) được lặp lại với mật độ dày đặc trong trong hai câu 34-35, cho thấy mức độ quan trọng của lệnh truyền này. Trong chương Ga 15,12-17, ngữ động từ này được lặp lại hai lần nữa. Trong bối cảnh đó, Đức Giêsu mời gọi các môn đệ “ở lại trong tình yêu của” Người bằng cách giữ điều răn của Người. Người nhắc lại điều răn của Người là: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (ἀγαπᾶτε ἀλλήλους καθὼς ἠγάπησα ὑμᾶς) (Ga 15,12). Đức Giêsu đã yêu thương các môn đệ như thế nào? Thưa, Người yêu thương họ đến mức chết cho họ. Đó là tình yêu ở mức độ cao nhất: “Không ai có tình yêu vĩ đại hơn tình yêu này là ai đó hy sinh mạng sống của anh ta vì người yêu của mình” (μείζονα ταύτης ἀγάπην οὐδεὶς ἔχει, ἵνα τις τὴν ψυχὴν αὐτοῦ θῇ ὑπὲρ τῶν φίλων αὐτοῦ) (Ga 15,13).
Suy niệm
Người ta kể về một sáng kiến độc đáo của một người nông dân như sau:
Ngày nào ông cũng phải khản cả tiếng để đuổi lũ gà nhà hàng xóm, chúng cứ chui qua hàng rào và bới tung cả vườn rau của ông. Dù đã nhiều lần nhã nhặn nhờ các hàng xóm nhốt gà cẩn thận, nhưng chẳng ai mảy may để tâm. Đám gà vẫn thản nhiên sang phá nát hoa màu trong vườn ông.
Là người yêu chuộng hòa bình, ông không muốn gây gổ hay trả đũa. Thay vào đó, ông nghĩ ra một cách độc đáo: ông mua vài quả trứng gà, đặt vào giỏ, rồi cứ vài hôm lại mang sang biếu hàng xóm, nói rằng đó là trứng gà của họ đã đẻ trong vườn nhà ông.
Ông lặp lại hành động ấy ba lần. Kết quả đến rất nhanh: chỉ trong vòng một tuần, tất cả các hàng xóm đều cẩn thận rào kín vườn để không cho gà chạy sang nhà ông nữa. Chỉ mất vài quả trứng, ông nông dân đã tránh được những tranh chấp vô ích có thể làm sứt mẻ tình làng nghĩa xóm.
Câu chuyện trên phần nào soi sáng lời dạy trong Tin Mừng, khi chính Đức Giêsu mời gọi các môn đệ: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” Yêu thương ở đây không phải là sự thỏa mãn theo bản năng, mà là tình yêu được thể hiện qua sự chia sẻ chân thành và sống hết mình vì người khác.
Người nông dân trong câu chuyện đã chọn cách hành xử đầy tinh tế. Thay vì cãi vã vì vài luống rau bị phá, ông chọn cách nhẫn nại và khéo léo để giữ gìn sự hòa thuận. Không những đem lại niềm vui cho người khác, ông còn khiến mọi người xung quanh nhận ra thông điệp sâu xa: hãy sống có tình, có nghĩa với nhau. Chính hành động nhỏ ấy đã lan tỏa tinh thần yêu thương, không chỉ đến một gia đình mà còn tới cả xóm làng.
Tuy nhiên, từ suy nghĩ đến hành động đôi khi là một khoảng cách rất xa. Cuộc sống hôm nay không ít lần bị đổ vỡ chỉ vì thiếu tình yêu, thiếu sự tinh tế trong cách cư xử. Chúng ta có thể vô tình – hoặc cố ý – làm tổn thương người khác, để rồi mất đi tình bạn, mất luôn cả tình làng nghĩa xóm. Có người vì thế mà sống trong cô đơn, buồn tủi, bị đẩy ra bên lề của cộng đồng.
Nếu mỗi người chúng ta biết nhìn nhận người khác như chính Đức Kitô đang hiện diện, chắc chắn lòng ghen ghét, đố kỵ sẽ dần tan biến. Thay vào đó là sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc và chia sẻ lẫn nhau. Nhưng quả thật, thân xác phàm trần của con người thường chỉ dễ dàng yêu những ai yêu mình. Đó là lối sống tự nhiên, rất thường tình. Thế nhưng, Thiên Chúa lại mời gọi chúng ta vươn xa hơn: yêu cả những ai chống đối, hại mình – chính điều đó mới khiến chúng ta nên công chính.
Tôi viết những dòng này không phải vì đã sống trọn vẹn được như vậy, nhưng tôi tin rằng nhờ ơn Chúa Thánh Thần, tôi có thể dần thay đổi từng ngày. Qua việc gặp gỡ Chúa, tôi và bạn sẽ nghiệm ra được tình yêu lớn lao Ngài dành cho mỗi chúng ta, để rồi noi gương Ngài – và cả người nông dân trong câu chuyện – mà sống xứng đáng với phẩm giá của người Kitô hữu. Không chỉ yêu thương đồng loại, mà như thánh Martinô, còn biết yêu cả những sinh vật nhỏ bé do chính Thiên Chúa dựng nên.
Sau cùng, để có thể yêu như Thiên Chúa mời gọi – dù là tu sĩ hay giáo dân – mỗi người chúng ta cần bước theo con đường Đức Kitô đã chỉ: sống khiêm tốn, sẵn sàng hy sinh, không ngại cúi xuống rửa chân cho người khác, phục vụ những người nghèo khổ nhất trong xã hội. Hãy sống hết mình vì tha nhân, vì Giáo hội – không mong đền đáp – và sẵn sàng “ra không” vì tình yêu. Amen.