- Dẫn nhập:
Trong Lời nguyện chung, cũng gọi là Lời nguyện tín hữu, một cách nào đó cộng đoàn đáp lại Lời Chúa mà họ vừa đón nhận trong đức tin và thực thi chức vụ linh mục nhận được qua Bí tích Thanh Tẩy mà dâng lên Thiên Chúa những lời nguyện cầu xin ơn cứu độ cho mọi người. Thường nên đọc lời nguyện này trong các Thánh lễ có giáo dân tham dự để cầu cho Hội thánh, cho các nhà cầm quyền, cho những người đang gặp các khó khăn khác nhau, cho hết mọi người và cho toàn thể thế giới được ơn cứu độ (QCSL 69). Tuy nhiên, có không ít những quan điểm khác nhau về vấn đề xướng đáp, dưới đây là một vài chỉ dẫn mà người viết trích từ Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma cũng như bài viết của cha Phạm Đình Ái.
II/ MỤC VỤ
1/ Chúng ta không chỉ dâng lời nguyện tín hữu vào lễ Chúa nhật/lễ trọng/những dịp đặc biệt, nhưng Hội Thánh khuyến khích dâng lời nguyện tín hữu trong mọi Thánh lễ có giáo dân tham dự (x. PV 53; QCSL 36, 69, 264).[1]
2/ Đối với ý nguyện thứ IV “Cầu cho cộng đoàn địa phương”: nên hiểu theo nghĩa rộng, nghĩa là bao gồm mọi thành phần Dân Chúa trong địa phận, trong họ đạo dù có mặt hay vắng mặt trong buổi cử hành. Sau ý nguyện này, có thể nêu những ý lễ của thánh lễ ấy, kể cả danh tánh một vài tín hữu đã qua đời theo ý chỉ tương ứng với bổng lễ vị tư tế đã nhận (x. QCSL 355).[2]
3/ Việc soạn lời nguyện tín hữu và nêu các ý nguyện cần lưu ý những điểm sau đây:
– Sử dụng lời nguyện tín hữu trong các sách xuất bản như một tham khảo và khơi nguồn cảm hứng hơn là đọc y nguyên vì ý nguyện cần đi sát với đời sống thực tế, phản ánh những mối quan tâm và nhu cầu hiện tại của cộng đoàn, Hội Thánh và thế giới và thích nghi hết sức có thể với mỗi buổi cử hành. Làm như vậy sẽ vất vả hơn, nhưng lại trung thực hơn và mang tính giáo dục đức tin hơn.
– Không nên để cho một người soạn lời nguyện tín hữu hoài và những người biết rõ nhu cầu của giáo xứ được coi là thích hợp nhất cho nhiệm vụ này.[3]
– Ý nguyện có thể soạn theo hai cách. (a) Một là “Ý nguyện trực tiếp”: đi thẳng vào nhu cầu mà không có lời dẫn trước; (b) Hai là “Ý nguyện gián tiếp”: gồm 2 phần: nêu ra lý do trước (phần 1) rồi mới tới lời nài xin (phần 2). Lý do có thể là một phẩm tính của Thiên Chúa, một giáo huấn của Hội thánh, một kinh nghiệm sống đức tin…,[4] hoặc từ các bản văn Kinh Thánh vừa mới công bố trước đó.[5]
– Mỗi ý nguyện phải vắn gọn, đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu; không mang dáng vẻ tình cảm ủy mị, ướt át, phóng đại và đừng chú trọng quá đến ý tưởng cao siêu, trừu tượng, mơ hồ, ẩn dụ;[6]
– Không nên gói ghém vào trong một ý nguyện tất cả một giáo thuyết/một bài học hay dồn nhiều điều xin/ý xin vào trong một ý nguyện;[7]
– Không cá nhân hoá lời nguyện tín hữu bằng cách đề cao hay khen ngợi người nọ người kia/nhóm nọ nhóm kia, cũng không phản ánh quá chặt chẽ các lợi ích thiêng liêng của một cá nhân, hoặc một nhóm trong cộng đoàn;[8]
– Tránh sử dụng lời nguyện tín hữu như một bài giảng ngắn về luân lý hoặc lên lớp dạy đời, hay như một bản cáo trạng, phê phán người khác hoặc thanh toán nhau cách trá hình.[9]
4/ Người xướng ý nguyện: nếu phó tế hiện diện, theo truyền thống, thầy là người ưu tiên nhất để xướng tất cả ý nguyện (QCSL 71, 94, 171, 177).[10] Nếu không có phó tế, các ý nguyện do một người khác xướng lên hoặc trong một số trường hợp, nhất là với cộng đoàn sử dụng nhiều ngôn ngữ, thì mỗi người xướng một ý nguyện, nhưng đừng bao giờ quá 6 ý nguyện (x. QCSL 71, 99, 138, 197; LNGM 144). Người loan báo ý nguyện/người xướng ý nguyện phải vào vị trí đã ấn định cho mình trước khi chủ tế đọc lời mời gọi cũng như tiếp tục đứng tại chỗ và hướng về chủ tế/bàn thờ cho đến khi chủ tế đọc xong lời nguyện kết thúc và cộng đoàn thưa “Amen” rồi mới di chuyển về chỗ của mình (x. QCSL 71).[11]
5/ Vị trí ưu tiên nhất để loan báo các ý nguyện là tại giảng đài như khi công bố Sách Thánh hầu giúp mọi người hiểu rằng: lời nguyện tín hữu nối kết với phần Phụng vụ Lời Chúa và là thành tố của phần này. Luật cho phép nêu ý nguyện ở một nơi khác thích hợp/thuận tiện, nhưng tốt nhất là người xướng ý nguyện ở trong cung thánh hay sát cung thánh mà cộng đoàn có thể thấy được, và quan trọng hơn, là có thể lắng nghe họ cách rõ ràng (x. QCSL 71, 138, 197, 309; BĐ 31; LNGM 144).[12]
6/ Sau lời mời gọi cộng đoàn cầu nguyện, mọi người có thể hát/đọc một lời đáp quen thuộc, hoặc im lặng một lát (x. QCSL 71, 138; BĐ 31). Thực hành thinh lặng sau mỗi ý nguyện thích hợp cho Mùa Vọng/Mùa Chay và giúp mọi người tham gia vào lời nguyện cách nội tâm hơn.[13] Thay vì chỉ đáp “Xin Chúa nhậm lời chúng con” cho mọi Thánh lễ, sau mỗi ý nguyện, chúng ta có thể đa dạng hoá lời đáp bằng cách cho in ra giấy hoặc trình chiếu lên màn hình một lời đáp khác làm nổi bật khía cạnh quan trọng của cử hành.[14] Lời đáp của cộng đoàn gợi lên thỉnh nguyện/cầu xin chứ không phải là lời chúc tụng, tạ ơn hay thống hối vốn là không thể thiếu trong các phần khác của thánh lễ.[15]
7/ Chính linh mục chủ tế sẽ điều khiển việc cầu nguyện tại ghế. Ngài nói vắn tắt mấy lời dẫn nhập mời gọi các tín hữu cầu nguyện; sau những ý nguyện, ngài dang tay đọc lời nguyện kết thúc (x. NTTL 20; QCSL 69-71, 138). Trước khi đọc lời nguyện kết thúc, chủ tế có thể dành ra ít giây thinh lặng cho mỗi người đưa ra những ý nguyện riêng (thầm) của mình.[16]
III. Tóm Lại
Như vậy, theo quan điểm của một số giáo sư thần học về Phụng vụ, việc đáp “Xin Chúa nhậm lời chúng con” là thích hợp hơn so với đáp “Xin Chúa nhận lời chúng con”. Lý do là vì Thiên Chúa là Đấng tối cao, nên Ngài mới là Đấng mà chúng ta khẩn cầu để Ngài “nhậm lời”. Trong khi đó, đối với mối quan hệ ngang hàng giữa con người với nhau, việc mời gọi hoặc ngỏ ý điều gì chỉ cần họ “nhận lời” là đủ.
Theo nghĩa Hán Việt,
- “Nhậm” trong từ “nhậm chức” là gánh vác công việc, hay lãnh nhận nhiệm vụ. Chức là chức trách, là việc quan, là bổn phận. Vì thế “nhậm chức” có nghĩa là giữ chức vụ, là gánh vác, là đảm đương chức vụ do cấp trên giao cho. Để dễ nhớ chúng ta học thuộc câu này: cấp trên bổ nhiệm, cấp dưới nhậm chức. Nhiệm hay nhậm đều giống nhau.
- Trong khi đó “nhận chức” trong tiếng Hán Nôm, “nhận” là tiếp đón, là chịu lấy hay lĩnh lấy. Cho nên “nhận chức” là nhận chức vụ nhưng không diễn tả được trách nhiệm của chức vụ ấy. Theo nghĩa Hán: nhận là nhìn, là biết, là chịu, là bằng lòng. Cho nên nhận chức không có nghĩa gì cả.
Theo nghĩa Nôm,
- “Nhận” được hiểu trong tương quan với trao. Trao và nhận có tính cách bình đẳng. Thí dụ: tôi trao – anh nhận.
- “Nhậm” được hiểu trong tương quan với dâng. Dâng và nhậm có tính phẩm trật. Thí dụ: con dâng – Chúa nhậm.
Cho nên khi chúng ta đáp lại lời cầu nguyện, “xin Chúa nhậm lời chúng con” thì đúng hơn là câu “xin Chúa nhận lời chúng con”. Cũng vậy, trong hát kinh Vinh Danh đến đoạn “Chúa xoá tội trần gian xin nhậm lời chúng con cầu khẩn” thì đúng hơn là “Chúa xoá tội trần gian xin nhận lời chúng con cầu khẩn”.
Ngoài ra, sau lời mời gọi cộng đoàn cầu nguyện, mọi người có thể hát hoặc đọc một lời đáp quen thuộc, hoặc chọn im lặng trong giây lát (x. QCSL 71, 138; BĐ 31). Thực hành thinh lặng sau mỗi ý nguyện đặc biệt thích hợp trong Mùa Vọng và Mùa Chay, giúp mọi người tham gia vào lời nguyện một cách sâu sắc và nội tâm hơn. Thay vì chỉ đáp “Xin Chúa nhậm lời chúng con”, thinh lặng có thể là sự lựa chọn tốt hơn.
Cuối cùng, sau câu xướng của người xướng ngôn viên, không cần thiết phải thêm lời “Chúng ta dâng lời nguyện xin” hay “Chúng ta cùng cầu xin Chúa”, vì những lời này đã được hàm chứa trong phần xướng ngôn viên đọc. Tuy nhiên, đây là quan điểm của một số giáo sư Phụng vụ, vì vậy bài viết này mang tính chất tham khảo, cho nên trong Phụng vụ cần linh động tùy vào hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương để buổi cử hành diễn ra một cách tốt nhất.
[1] X. DeGrocco, A Pastoral Commentary on the General Instruction of the Roman Missal (Chicago: Liturgy Training Publication, 2011), no. 69; Emminghaus, The Eucharist: Essence, Form, Celebration (Collegeville: The Liturgical Press, 1997), 154; Lucien Deiss, Visions of Liturgy and Music for a New Century, trans. Jane M. A. Burton (Collegeville: The Liturgical Press, 1996), 186-187; McNamara, “Prayer of the Faithful; Kiss of Peace” (11 March 2014), https://www.ewtn.com/catholicism/library/prayer-of-the-faithful-kiss-of-peace-4716.
[2] X. McNamara, “Mass Intentions” (03 Aug. 2005); DeGrocco, A Pastoral Commentary on the General Instruction of the Roman Missal, no. 355.
[3] X. Pierre Tournier, “Lời Cầu nguyện Phổ quát,” trong Họp nhau Cử hành Phụng vụ, tập II, 288; Jean-Louis Angué, “Le Devenir de la Prière Universelle,” La Maison-Dieu, 192 (1992): 48-49.
[4] Nguyễn Thế Thủ, Hướng dẫn Cử hành Phụng vụ (Sài Gòn: ĐCV Thánh Giuse, 2000), 106-107.
[5] Anthony M. Buono, Liturgy: Our School of Faith (NY: Alba House, 1982), 19.
[6] X. Jean-Louis Angué, 58; Introduction to Order of Mass: A Pastoral Resource of the Bishops’ Committee on the Liturgy [DNTL] (Collegeville: The Liturgical Press, 2004), 98; Nguyễn Thế Thủ, Hướng dẫn Cử hành Phụng vụ, 109-111.
[7] Ibid.
[8] X. McNamara, “Prayers of the Faithful” (03 Oct. 2017), https://www.ewtn.com/catholicism/library/prayers-of-the-faithful-4870; Pierre Tournier, 283; Jean-Louis Angué, 58.
[9] X. Adolf Adam, The Eucharist Celebration: The Source and Summit of Faith, trans. Robert C. Schultz (Collegeville: The Liturgical Press, 1994), 50; X. DeGrocco, A Pastoral Commentary on the General Instruction of the Roman Missal, no. 71; Pierre Tournier, 283; Jean-Louis Angué, 58.
[10] Peter Elliot, Ceremonies of the Modern Roman Rite (San Francisco: Ignatius Press, 2004), no. 392; X. DeGrocco, A Pastoral Commentary on the General Instruction of the Roman Missal, no. 94.
[11] X. DeGrocco, The Church at Worship (Chicago: Liturgy Training Publication, 2013), 130; Pierre Tournier, 285.
[12] X. DeGrocco, A Pastoral Commentary on the General Instruction of the Roman Missal, nos. 71, 138; Turner, Let Us Pray, no. 391; Peter Elliot, no. 266.
[13] X. DeGrocco, A Pastoral Commentary on the General Instruction of the Roman Missal, no. 71; Pierre Tournier, 278.
[14] X. DNTL 98; DeGrocco, A Pastoral Commentary on the General Instruction of the Roman Missal, no. 71.
[15] Ibid.
[16] X. McNamara, “Ad-libbing the Prayers of the Faithful” (20 July 2004), https://www.ewtn.com/catholicism/library/adlibbing-the-prayers-of-the-faithful-4631.